A Fragrance Blog by Rei Nguyen

Mến tặng thầy Vĩnh Lạc – Mr. X

Cảm ơn thầy vẫn bền bỉ đứng đó và đấu tranh cho những điều thầy đeo đuổi. Mà thiệt fan cứng của Thầy mỗi ngày một đông nhừng vầy, Thầy đâu có một mình 🙂

Tản mạn về nhạc khó – Opera

Hôm Chúa Nhật, tôi dự một buổi trò chuyện mang tên “Yếu tố hài hước trong tâm nhạc” do Saigon Classical Music tổ chức. Anh Lâm nói với tôi “Em nhớ có mặt chương trình của Mr. X nhé.” Tôi có đọc những bài viết và video giảng ngữ của Mr. X. Ngôn ngữ thơ, và cổ, đúng style tôi thích. Cái chất giọng bắc 54 ngọt ngào đặc trưng đó, sự dông dài dễ thương trong câu chữ đó… Mr. X – thầy Vĩnh Lạc khó tính nhưng dễ chịu. Bạn đọc bài thầy viết, xem video thầy làm, là nhận ra ngay. Như bài Dạ-Hương Thiên-Lý thầy viết lời từ “Memory” – trích từ vở nhạc kịch CATS của Andrew Lloyd Webber, nghe-đọc-hát mà thấy trong lòng ngân nga.

Tôi thích điều nhóm Saigon Classical Music đang làm, đó là mang âm nhạc cổ điển gần hơn với mọi người. Tôi chẳng nghĩ tự nhiên mà người ta yêu nhạc. Cũng như chẳng khơi khơi và yêu một mùi hương. Mọi nghệ thuật trên đời này chỉ chạm được con người khi nó khơi gợi được sự đồng điệu. Thiếu cái đó, nó trơ trụi, lạ lẫm, và trịch thượng.

Người Việt, tôi nghĩ, hiếm người tự nhiên mà thích thể loại nghệ thuật “véo von” cao vút ấy. Hát những nốt quá cao, nói những ngôn ngữ xa lạ, và những âu mục kiểu cách đó, ánh đèn dàn nhạc sân khấu đó, có mấy ai lớn lên cùng. Tôi cũng không ngoại lệ, mãi khi biết đến cậu bạn tên là Riku khi ở Nhật. Riku là một nghệ sĩ opera trẻ tuổi (sinh năm 1988), là người Nhật đầu tiên giành quán quân của cuộc thi Opera quốc tế năm 2017, ngay tại cái nôi kinh điển – Ý. Tôi đến nghe Riku hát mấy lần ở Miyagi và Tokyo, lần nào cũng xúc động. Riku thích hát, thích đi thiện nguyện ở Việt Nam, thích món ăn Việt. Bạn mong muốn trở thành một nghệ sĩ đóng góp cho nền âm nhạc Nhật Bản, còn muốn trở thành một giảng viên âm nhạc để truyền tải Opera đúng đắn với các bạn trẻ. Mà bây giờ thì không còn mơ ước nữa rồi, mùa đông năm ngoái bạn bảo với tôi đã bắt đầu giảng dạy Opera tại trường đại học Yokohama sau khi trở về từ Anh Quốc. Còn tôi, được bạn truyền cảm hứng, cũng thấy opera gần gũi hơn đôi phần. 

Bạn Riku đang hát, vở Melissa. Thích lắm vì trong khuôn viên nhà thờ 🙂
                  Sau giờ diễn cùng cậu bạn mê hoa

Âm nhạc phương Tây không đến khơi khơi. Nó đến cùng lịch sử, những câu chuyện, và cả thời trang nữa. Như âm nhạc của Mozart gắn với câu chuyện về cậu bé thiên tài và tâm hồn cao thượng khát khao cải cách trong âm nhạc, Beethoven với đôi tai mất đi thính giác nhưng vẫn tiếp rục viết những nhạc phẩm chính xác tuyệt đối về âm phách đến lúc cuối đời. Nhạc phương Tây mang cả những điệu nhảy dập dìu, những bộ âu phục bắt mắt, những lịch sử, nàng hậu Marie Antoinette phấn hương và giới thượng lưu – kẻ giàu nghiệt ngã.

Nghệ thuật không đi một mình, nghệ thuật không thể tách rời quần chúng.

Như vở The marriage of Figaro thầy Vĩnh Lạc có nói tới. Bản opera kinh điển Mozart viết đả phá sự xa hoa phù phiếm của giới nhà giàu, cao trào rơi vào đoạn anh Figaro đang giận sôi máu muốn báo thù tên bá tước vênh mặt dám âm mưu cướp đoạt người vợ xinh đẹp của mình. Anh bực, anh chửi um lên. Đưa cái chợ trời, cái bỗ bã ngoài đời vào âm nhạc “sang”, có không? Có mà.

Kịch sang cốt truyện dân thường thì được, nhưng chuyển ngữ nhạc kịch sang đến ngôn ngữ được cho là chưa sang, coi ra khó.

Như việc thầy X đưa ý thơ và chuyển ngữ tiếng Việt hết mấy phân cảnh opera vậy. Mà thiệt nếu thầy được ủng hộ thừa thắng xông lên, thầy dịch ra hết. Đọc chơi hết hồn. 

Tôi cũng thấy nhiều người tìm đến nhạc cổ điển đôi khi chẳng phải vì họ yêu. Người ta yêu hơn, có lẽ phân cảnh chọn váy áo gì cho hợp buổi nhạc này, trang sức gì, túi hiệu gì, đi giày chi. Nhiều khi cũng chẳng cần quan tâm đêm nhạc đó là nhạc của ai, đang ngồi nghe cũng chịu đựng kinh vì thấy… chán kinh khủng. Nhưng mà cũng… ngại về!  

Cũng như việc mua nước thơm, nhiều khi cứ phải là mắc thiệt mắc, độc thiệt độc. Không cần quan tâm note gì hợp chi, ai lùng, cái gì hiếm, thì mua. Sưu tập nước thơm cũng là một hình thức thể hiện sự đẳng cấp và tinh tế chăng? Người hiểu và trân trọng nghệ thuật khứu giác cũng có, nhưng người mượn mùi hương thể hiện vẻ ngoài hay đẳng cấp, tôi nghĩ cũng nhiều.

Ờ mà, có ai cấm đâu. 

Lan man quá 🙂

Lại nói đến Bolero.

Bolero sinh ra từ sự hồn hậu tích tịch tình tang tài tử của dân Nam Bộ. Bolero là âm nhạc xuống đường. Vài cái ghế con, đây đờn ghi ta, mấy cái đũa chén gõ leng cheng, là Bolero đó.

Bolero, giống dân Nam, chẳng màu mè. Nhạc cũng lãng mạn lắm chứ bộ, mà nhạc vui cũng như nhạc buồn, cứ phải sầu sầu queo queo, tương tư lự hất tóc chậm chút, chớp mắt chậm chút, mới thành Bolero được à nghen. Vui quá tươi quá, bye, chú em đi chỗ khác. Tôi nghĩ tới ba tôi, sáng dậy là thấy ba châm điếu thuốc, nhịp nhịp theo từng điệu nhạc. Hương tobacco đậm đà là thế, nhưng mùi khói thuốc đó, tôi ghét kinh khủng. Lần nào ba cũng sợ con gái ngửi thấy khói thuốc, cứ ra tuốt sau nhà ngồi mình ên. Bolero, với khói thuốc vào những sáng sớm khi tôi còn bé, là ký ức chẳng rõ thân thương hay khó chịu. Thương ba, ghét mùi khói thuốc. Mâu thuẫn vậy đó. 

Bolero sinh ra từ đường phố, lẩn quẩn trong từng ngôi nhà, từng cái đài cát xét, từng cuốn băng quay tay muốn mệt chưa hết một bài, từng cuốn sổ chép nhạc, từng góc kỷ niệm của bao nhiêu người. 

Bolero, sang không?

Ủa, sinh ra từ đường phố thì sao, mắc mớ gì không sang?

Nghệ thuật không làm cho ai sang lên được.

Không có nghệ thuật sang, nghệ thuật hèn.

Chỉ có nghệ thuật hay, nghệ thuật dở.

Thầy Vĩnh Lạc

Cô bé San, trợ lý của tôi, là fan Bolero cứng. Dân hoá sinh, lành tính dễ thương khủng khiếp, thích Bolero, mê Hương Tràm. Bé kể mỗi lần đi hát karaoke hát nhạc Bolero, bạn bè ai cũng cười. “Em thấy Bolero hay lắm chị.” Ừ đúng rồi, như mùi hương, hay màu sắc, mỗi người sẽ yêu nhạc theo cách rất riêng việt. Em yêu Bolero, vì em lớn lên trong khuôn nhạc đó, nó gợi cho em sự thân quen. Và ý tứ Bolero cũng hồn hậu dễ gần, như em vậy. Cô San mà thích EDM, thì đúng mới là lạ đa!

Nhạc, có trẩm có bồng, thì Hương, cũng có bổng có trầm.

Mùi hương, cũng trong mối tương quan của rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác của cuộc đời, có những bước dạo đầu (top notes), cao trào (heart notes/ middle notes) và kết thúc (dry down/ base notes). Về kỹ thuật, thật ra chẳng có top middle base gì cả, các nhà tạo hương thường làm việc với nguyên liệu dựa trên các thuộc tính về độ nặng/ độ bay hơi… của cấu tử mùi hương hơn là tháp nước hoa được sáng tác với bộ phận marketing kia. Nhưng nhìn lại thì, đúng là với tháp nước hoa (perfume pyramid) – ta có thể mường tượng một bản nhạc mùi hương sẽ được chơi như thế nào khi quyện với thịt da theo cách dễ dàng cảm nhận nhất.

Bạn biết đó, có những người thích một bản hương thật sâu, nhiều tầng, công phu như một bản giao hưởng cổ điển. Có người lại thích độc tấu guitar, piano, sáo… như thể những mùi nước hoa đơn hương vậy. Vero Profumo sáng tạo những mùi hương dày lớp và phức tạp, Jo Malone hướng đến sự tinh giản khoan thai như nắng đồng quê nước Anh. Mỗi trường phái sáng tác, mỗi triết lý mùi hương đó đều được tôn tạo bằng những tác phẩm đẹp, và tròn. Ai nói một mùi hương đơn giản thì sẽ giản đơn trong nghệ thuật bào chế? Pomegranate Noir by Jo Malone được đánh giá là một trong những mùi hương đòi hỏi kỹ thuật khó rất cao khi chế tác. 

To create simple things is very complicated.

Tôi hay chia sẻ trong những buổi trò chuyện mùi hương về mối tương quan giữa các giác quan, thính giác, khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác. Đó là sự tương hỗ của ngũ quan. Nghe những nốt giác, nghĩ về những nốt hương, hay gam màu sắc… đều đưa ta đến những trải nghiệm quý giá.

Hiểu chuyện nhạc, chuyện hương, bạn sẽ thấy những sợi dây xúc cảm rung động theo cách khác.

Nghe nhạc mình thích, mặc hương mình yêu, thấy yêu hơn những lúc một mình. 

Mùi hương đẹp, kín kẽ, không phiền ai, đôi khi cũng như việc đeo headphone và thả tâm tưởng đuổi đeo những nghĩ suy trôi lặng lẽ. Cứ để đó, mặc-yên.

Tối nay, mặc Sandalwood Sacré, nghe Dạ-hương Thiên-lý, nghĩ chuyện mình 🙂

Sài gòn, 28/8/2019

 

Previous post
Next post
Related Posts
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.