A Fragrance Blog by Rei Nguyen

Hồi nhỏ nội tôi đùa, ráng chiều là ông mặt trời… ráng để chiều. Kiểu là mặt trời ông ấy thực ra là vẫn muốn bung toả rực rỡ, mà bà mặt trăng bấm nút hết giờ đòi sân, nên ổng… ráng chiều.

Tôi nghe ông nội kể, cười ke-ke-ke.

Ráng chiều, ở quê nội, mang mùi đất của hai khoảng sân to rộng, cả trước lẫn sau nhà. Đó là nơi tôi nhớ nhất trong những vạt ký ức mờ mờ tuổi lên năm. Ông nội lúc còn, hay đi nhà thờ buổi chiều, nội hay dẫn tôi theo. Nội mắt kém, nên tôi làm hoa tiêu lút cút phía bên hông. Chiều là người ta thấy Ông Ba Thanh đi lễ, có con bé mắt một mí tóc ngắn như con trai hộ tống, là tôi đó. 

Cái mũi nhỏ của tôi, lúc đó nhớ nhất là mùi dầu thơm của ông nội, lẫn với mùi khen khét bọc đường – thứ mùi đặc trưng khi dùng bàn ủi than của bà nội. Nếp áo, nếp quần thẳng thướt, ông nội tôi đẹp lão, bảnh bao nhất xóm, là nhờ bà nội hết. Nội chỉ mặc sơ mi trắng, quần âu đi lễ. Một ngàn lẻ một ngày, đều như vậy. 

Tôi đi cùng nội trên con đường đất đỏ, bóng mặt trời bỏ sau lưng. Lúc xưa, tôi nhớ nhiều nhà hàng xóm còn trồng cây thuốc rê, từ khi lá lúp xúp xanh đến khi vàng, người ra sắt sợi, ủ héo, phơi thuốc trên những tấm liếp, đạp thuốc. Lúc ráng chiều, mùi thuốc lá ngọt đắng nơi đầu gió, mùi dầu thơm của nội – tôi nhớ là old spice, là thứ mùi hương khó quên vô cùng. 

Phơi thuốc lá – ảnh sưu tập từ Internet vì rất tương đồng 🙂

Mùi ráng chiều, rải trên đường, lấm tấm hương.

Khi nắng chiều tắt, tôi nhớ tìm thấy mình quỳ ở ghế đầu cùng nội, đọc kinh Kính Mừng Maria. Nội tôi là Ông Chánh Xứ, xướng kinh, tôi đọc theo, trẹo trọ vì nội thuộc kinh làu làu, lướt chữ nhanh khủng khiếp. Vào lễ, loảng thoảng trong gió, sẽ là mùi nhũ hương trên cung thánh. Ngày lễ trọng, sẽ có hoa huệ và hoa ly thơm ngát. Quỳ trên bục đọc kinh mỏi gối, thứ khiến tôi dễ chịu nhất, là những mùi hương bảng lảng nơi không gian bình an đó. Chuông nhất, chuông hai, vào lễ. 

Ở Sài gòn, tôi hay đi Nhà thờ Tân Thành ở Trương Công Định, hay nhà thờ Ba Chuông trên đường Lê Văn Sỹ. Vẫn có nhũ hương và huệ, nhưng khác. Hẳn là, khuôn viên nhà thờ ở thành thị, gió chẳng đưa được hương bắp non, hương thuốc lá phơi phảng phất nơi đầu gió như quê nội ngày nào.

Từ khi ông nội mất, rất ít khi tôi về quê. Chú bác vẫn còn, nhưng phần ký ức mùi hương kia cũng hư hao mất. Nhà gỗ của nội vẫn còn, khoảng sân đất to rộng vẫn còn.  Nhưng ngòai mấy cơn mưa giông, đất ở đó thiếu đi mùi đất đặc trưng từ những cơn-mưa-nhân tạo  do tay nội tưới đất ngày trước. 

Ráng chiều trước nhà nội, nay trìu mến cho bọn nhỏ đạp xe trên khoảnh đường nhựa rộng thênh thang, dẫn thẳng từ nhà nội đến nhà thờ. Ráng chiều bây giờ thoảng mùi hạt điều rang, mùi tiêu vụ mới. Miền quê Đông Nam Bộ đâu thiếu vụ mùa, chỉ là, mùa này không giống mùa xưa.

Có những ký ức rất khó để đóng chai. Nó không nằm trong những bản brief  hương đắt tiền về demographics hay sở thích người dùng. Nó đơn giản thuộc về những thứ quá xa xăm của ký ức, đôi khi để tránh mai một, người ta tự vẽ lên những vết tô lem trên bản cũ, nhớ thương.

Một lần, có chị bạn hỏi tôi “Em ơi, làm cho chị lọ nước hoa mùi cơm cháy đi. Chị thích mùi đó lắm.” Tôi cười, ừ, hẳn là, mùi cơm cháy với chị, cũng đầy hoài cảm, như ráng chiều bên nội của tôi. 

Mười mấy hai chục năm, mùi hương đem ký ức về như cái búng tay. Như bài của Lý “Có vết thương 10 năm vẫn âm thầm vì…cơn mưa sống lại.”

Ơi ráng chiều ơi! 

Sài Gòn, 22/7/2019

Rei

 

Previous post
Next post
Related Posts
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.