A Fragrance Blog by Rei Nguyen

My little stories

Cảm nhận: Triển lãm tranh “Khởi” của Nguyễn Hữu Uy và Triển lãm nhiếp ảnh “Hoa Ta Photoshow” của 15 nhiếp ảnh gia tại Sài Gòn

Mỗi tháng, tôi thường dành 1 ngày để rời khỏi “ốc đảo” của mình và đi về phía trung tâm thành phố. Hôm đó, tôi sẽ để khứu giác nghỉ ngơi mà dành thời gian bổ túc và nuôi nấng thêm những gíac quan khác. Dù ít khi viết lại những trải nghiệm đó, nhưng khi nhìn lại, đôi khi tôi tìm thấy thật nhiều những cảm hứng mới, và nhiều suy nghĩ đúc kết khi tiếp thu những giá trị quan từ các nghệ sĩ trong đa dạng lĩnh vực. Hội hoạ, nhiếp ảnh, điêu khắc, âm nhạc… đều có ngôn ngữ thể hiện và mỹ cảm riêng. Và trong khi thưởng lãm mỗi tác phẩm của từng nghệ sĩ, như một thói quen, palette mùi hương của tôi cũng tự giác làm việc, những hợp hương trừu tượng đâu đó cũng xuất hiện trong tâm thức. Tôi không cố ý. Nhưng như thể có một vùng nhất định trong não bộ của tôi đã quen với việc cảm bằng mùi hương mất rồi.

Chiều thứ Bảy này, tôi đến thăm “Khởi” và “Hoa Ta photoshow”, với nhiều cảm xúc.

Nói về “Khởi”.

Tôi đến “Khởi”, vì tôi nghĩ đến Hajime – một trong những tạo hương nước hoa tôi vô cùng yêu quý được ra mắt vào tháng 7/2022. “Hajime” cũng có nghĩa là “đầu tiên”, hay “khởi đầu”. Tôi cho đó là cái duyên để tôi đến thưởng tranh của nghệ sĩ Nguyễn Hữu Uy.

Nguyễn Hữu Uy là hoạ sĩ, nhà làm phim. Hai bộ môn giàu mỹ thuật thị giác. Điểm khác lớn nhất, có lẽ là tranh thì tĩnh, còn phim thì luôn chuyển động. Hay như chia sẻ của Nguyễn Hữu Uy: Phim thì đẹp không chưa đủ, nếu khung hình đẹp mà diễn xuất không chạm được thì cũng không thành. Ngẫm thấy đúng. Nhưng tôi nghĩ, khung hình điện ảnh từ góc nhìn của một hoạ sĩ, chắc chắn sẽ có sự khác chứ!

Nói về tranh của Nguyễn Hữu Uy trong “Khởi”.

Khoảng 20 tác phẩm với bối cảnh cuộc sống và rung cảm ở Berlin – được Nguyễn Hữu Uy vẽ trong suốt thời gian diễn ra cách ly vì đại dịch (2020 – 2021 – 2022). Nói một cách ích kỷ, tôi vẫn cho rằng, khoảng thời gian đó là thời gian vàng để sáng tác của những người làm sáng tạo. Thoải mái một mình, được phóng túng cô đơn. Tôi thấy có cả 3 bức tranh của Uy với bút ký HuuUy 7.2020 – 8.2020 – 9.2020. Mỗi tháng 1 tác phẩm – một năng lực và năng lượng sáng tác dồi dào.

Hai màu sắc tương phản trong hai tác phẩm

Tranh của Nguyễn Hữu Uy, khi thì xám tối trong khung cảnh chiều bên chiếc cầu ở Berlin, mặt nước còn phản chiếu một quả bóng bay màu đỏ như một chấm son vui mắt, nổi bật trong khung cảnh tĩnh lặng. Một điểm phẩy cọ tôi rất thích.

Gam màu xanh lá của những bãi cỏ tít tắp, cỏ cây mát rượi như một sự trù phú màu mỡ của thiên nhiên Âu Châu không khó để nhận ra là một trong những màu chủ đạo của khá nhiều tác phẩm. Và dù với chủ đề nào, đều mang cảm thán ngưỡng mộ tạo hoá,  hay hy vọng vào tương lai trong nét cọ. 

Như bức The hunting – với hình ảnh ngựa không yên cưỡi và đoàn người hối hả tấp nập. Chú không cần săn gì nữa cả, chú đã có tự do!

Quan sát phong thái của chú ngựa độc hành đang ngoảnh mặt nhìn về dòng người kia, bạn nghĩ gì?

Hay bức “morning bath”  – tác phẩm tôi yêu thích nhất. Thường nhật, mềm mại, đời thường. Một bóng lưng ung dung với sự “khởi” của một ngày. Chẳng phải một trong những cực khoái của con người là đắm mình trong làn nước đó sao?

Diễm lệ một nghi thức đầu ngày

The cloud man – nhân vật được sinh ra từ những đám mây với sứ mệnh đem những điều tốt đẹp cho cuộc đời. Một ẩn dụ về sứ mệnh của tác giả.

Một màu xanh rất đẹp

Tôi rời phòng tranh, nhớ lại một đoạn trong phỏng vấn phát ở không gian triễn lãm. Nguyễn Hữu Uy nói về sự cô độc, chất liệu quen thuộc trong mọi hoàn cảnh làm sáng tạo. Khi vẽ tranh, hoạ sĩ cần được một mình. Có người thì không cầm cọ được. Nhưng làm phim thì khác, có kết nối, tiết tấu, đồng điệu lẫn trật giuộc với rất nhiều người. Tôi thì nghĩ, những kẻ thích cô đơn, có chăng luôn là kẻ khát khao cảm xúc nhất. Càng cần thì lại càng giấu đi. Vậy thôi. 

Thông tin triển lãm “Khởi” – Bảo trợ bởi Ka Koncept 

Thời gian: 09/01/2023 – 15/01/2023.  Thứ Hai – Chủ nhật | 9h00 – 20h00

Triển lãm vào cửa tự do 

Địa điểm: REI Artspace | 371/4 Hai Bà Trưng, Quận 3, TPHCM (trùng tên Rei, nhưng đây không phải gallery của tôi nhé! [cười])

Nói về “Hoa ta Photoshow” được tổ chức bởi Hoa Ta tại Mây ArtSpace – triển lãm nhiều tác phẩm của 15 nhiếp ảnh gia 

Đây thực sự là một triển lãm thú vị và nhiều thông tin hay về nhiếp ảnh. Đặc biệt dành cho người mới tập cảm nghiệm. Được bố trí thành 4 căn phòng theo 4 chủ đề khác nhau. Mỗi căn phòng là các tác phẩm của các nhiếp ảnh gia về những cảnh – vật – người theo rung động của riêng họ. Nếu tranh vẽ là thế giới quan mang nhiều hơn trí tưởng tượng của họa sĩ, thì nhiếp ảnh lại là lăng kính lưu lại những khoảnh khắc quý giá chỉ diễn ra một lần trong đời. Bạn biết đấy, ta sẽ không thể có lại màu nắng đó, làn gió đem lại lay động đó, sự chuyển động trong chỉnh thể đó… lần thứ hai. Khoảnh khắc hoàn hảo nhất, đôi khi chỉ đến một lần mà thôi!

Căn phòng thứ nhất mang chủ đề “Nước – Mây trời”.

Nước ngưng tụ thành mây. Và theo những cơn mưa, mây lại trở về dáng hình của nước. Bồng bềnh, êm ái. Bao nhiêu ngày vội vã bước mà quên cái thú vui ngửa mặt nhìn trời ngày nhỏ mà tưởng tượng ra bao điều không tưởng từ những đám mây. 

Êm ả mây trời từ ống kinh nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh và Tom Hricko

Căn phòng thứ hai: Phố phường – thôn xóm 

Một buổi tắm mát bên sông dưới chân cầu, những gánh hàng rong, hay một chiếc xe máy vội vã lướt qua. Điều đôi mắt thấy vốn đời thường, qua lăng kính và góc nhìn của nhiếp ảnh, lại trở nên không thường chút nào. Đôi mắt âu lo của người lái xe máy, hay phiên chợ ngổn ngang của đôi vai cao của người bán nhiều hơn người mua… ta sẽ thấy ở đó cả bầu không khí và cảm xúc đóng khung vẹn nguyên trong đó, chẳng đi đâu bao giờ. 

Đây là hai bức tôi rất thích, tôi nhìn thấy gió chuyển động trong bánh xe vút qua lẫn cơn gió sông mát rượi bên chiếc cầu ấy.

Căn phòng thứ ba: Nếp sống – Tâm linh 

Một khoảng sân chùa với những gánh hàng rong, tượng thần và thực tại … Tôi nghĩ, đúng hơn, là cảm nghiệm sự thánh trong những ngày tháng trần tục. Có tương phản, có đăm chiêu. Không đối kích. Con người vẫn sống hối hả như thế mà.  

hoata-reinguyen2

Cung kính và đời thường. Thần tiên và trần trục. Just one apple won’t tell the story. Indeed.

Căn phòng thứ tư: Thế giới nội tâm 

Là căn phòng tôi thích nhất. Với các tác phẩm của 3 nghệ sĩ trẻ. Có rực rỡ, có trầm ngâm. Có nhiếp ảnh thực, và ảnh kèm hoạ. Tôi đặc biệt thích bức “Phía Đông của Cầu Vồng”. Làm tôi nghĩ đến hoa Diên Vĩ – Iris. Truyền thuyết kể rằng, Diên Vĩ sẽ hoá thành cầu vồng, đưa người đã mất về với thiên đàng ở thế giới bên kia. 

Hai bức tôi yêu thích nhất triển lãm

Ngoài các căn phòng mang các chủ đề khác nhau, triển lãm cũng lồng vào các yếu tố thường thức như lịch sử nhiếp ảnh qua các giai đoạn, các máy ảnh qua các thời kỳ, cách thưởng ảnh, hay mô phỏng một phòng rọi ảnh với các giai đoạn khác nhau. 

The red room

Kết triển lãm, có lẽ hai tác phẩm tôi thích nhất lại đều rơi vào căn phòng cuối. Của nghệ sĩ trẻ. Về thế giới nội tâm của họ. Tôi nghĩ, điều đẹp đẽ nhất của nghệ thuật là khả năng chạm và tạo rung cảm ở bất kỳ loại hình nào. Và không quan trọng bạn bao nhiêu tuổi, đến từ đâu, hãy kể cho tôi nghe câu chuyện của bạn. Cho tôi xem trái tim của bạn, niềm hân hoan của bạn, sự đau đớn giày xé của bạn. Chỉ cần cảm xúc đó là thật và trong tôi có phần nào những nỗi lòng tương tự, chắc chắn sợi dây gắn kết sẽ hình thành thôi. 

Hẹn gặp bạn trong những cảm nghiệm triển lãm lần sau nhé.

Thông tin triển lãm Hoa Ta Photoshow

  • Thời gian: 23/12/2022 – 15/01/2023 
  • Giờ mở cửa triển lãm: 10:00 đến 20:00 
  • Địa điểm: Mây Artspace: 36/70 Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Previous post
Next post
Related Posts
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.