[Bài viết về hương bụi, nhưng tôi chọn một chiếc ảnh chụp…đất. Tôi có tình yêu với đất lạ lùng. Thôi thì cứ để hương bụi nằm với đất, còn chuyện tôi kể bạn nghe lần này, sẽ về hương thôi.]
Hôm nay photos trong máy nhắc tôi những hình ảnh của một năm trước. Mùa đông lấp lánh hoa đèn ở Tokyo. Cái cặp sinh viên nặng trịch, nhưng vẫn xuống ga Roppongi, đến Tokyo midtown để ngắm Christmas illumination. Mùa đông dài và lạnh. Chỉ có những ngày này, nỗi cô đơn sẽ rực rỡ hơn.
Tôi vẫn nhớ căn phòng nhỏ đặt chiếc bàn trắng nơi mình học và làm hương. Nhớ cái mansion nhỏ rìa thành phố, nơi mà sau khi chuyển đến hơn nửa năm, tôi mới tình cờ gặp được bác hàng xóm. Đôi khi là tiếng bước chân lộp độp nơi cầu thang, hay tiếng hắng nhẹ buổi sáng trước khi ra khỏi nhà. Vậy đó, nhưng chưa bao giờ gặp được nhau.
Buổi sáng, chuyện đầu tiên tôi làm khi thức dậy, sẽ là bật tivi. Nghe dự báo thời tiết như hầu hết mọi người ở đây, rồi nghe tin đầu ngày. Mà thật ra, lý do lớn nhất, là để nghe tiếng người nói chuyện. Để không gian có cảm giác đỡ trống hơn. Có khi nào tôi xem tivi khi còn ở Việt Nam đâu!
Thời gian ở Nhật lại là thời gian tôi nghe nhiều nhạc Việt nhất, thấy thương tiếng Việt kinh khủng. Nghe lại những bài năm 90s, thương những “Góc phố dịu dàng”, những “Tình đơn phương”, những Phương Thảo – Ngọc Lễ “quay đều quay đều” ngày xưa. Người ta nói luôn sẽ có những lần 10 năm – 15 năm trong đời người. Khi ta xa nó đủ lâu, sẽ lại là lúc nhớ nhung nhiều nhất. Như thể thời gian rất kỳ diệu, phủ bạc mọi thứ, những cảm xúc ngày xưa dẫu buồn vui hay đau đớn, nay cũng sẽ hoá dịu dàng. Ngày xưa như thế đó, vậy thôi.
Ngày xa nhà, cũng là lúc bếp của tôi ngập tràn gia vị Việt Nam. Nước mắm cốt, gói ngũ vị hương. Cái bếp nhỏ tẹo, cứ tuần phải ăn cho được một bữa đồ cuốn. Tôi mê cuốn hơn mọi thứ trên đời, mà nhà hàng Việt bên này thì đắt đỏ. Cả đi siêu thị thì trái chanh nhỏ xíu đã 245yen (gần 50,000 VND), ngò rí hay tía tô, rau thơm…cũng đều như vậy. Cái ký ức cặm cụi làm chén nước mắm ngon, chuẩn bị dĩa rau tươi mắt, xào đậu ve, luộc thịt… thơm tho lắm. Đó là vui nhỏ tôi tự dành mỗi cuối tuần. Ăn món Việt mình, nấu gia vị của mình. Mùi hương đó là hương bụi quê nhà, là thứ thuốc an thần dose nhẹ nhất cho con bé ham rau mê cuốn nhưng đang ở thiên đường bò Kobe như tôi.
Tôi có đọc một bài viết, rằng ở khía cạnh văn hoá, đôi khi một người nước ngoài sẽ thấy rõ nhất, không phải người bản địa. Và một người bản địa, khi họ sẽ thấm thía rõ văn hoá quê hương, lại là khi lưu lại ở những vùng trời khác. Sẽ là âm nhạc, hương vị, gam màu quê nhà. Sẽ có ngày, bạn thấy mấy đứa chỉ xoẹt xoẹt hô to “tui chỉ thích nghe nhạc US-UK, không nghe nhạc Việt” lại bấm “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, hay “Lý mười thương” trong playlist. Có tôi trong đó đó. Con Rei đang ngồi học bài, nghe “Khung trời kỷ niệm chợt thèm…Rau đắng nấu canh …” tự nhiên nhớ nhà ứa nước mắt.
Khi ở xa quê hương, giữa đô thị hiện đại và văn minh, giữa những áo vest giờ Metro tan tầm, người đông nhưng kiệm lời, bạn sẽ nhớ cái xù xì ồn ào con đường Cách Mạng T8. Đó là con đường tôi ghét nhất, mà cũng nhớ nhất. Bạn sẽ nhớ mắm muối tương cà, dẫu lúc ở nhà chả mấy khi ăn. Bạn sẽ mơ về hương mùi già tắm xông tết giao thừa, trong khi đầy rẫy những The Body shop, những Aesop xa xỉ ngoài kia. Đó là hương bụi quê nhà, lấm tấm nơi ký ức.
Bây giờ đã về nhà, đôi khi tôi khó chịu không kể xiết với khói bụi, với những “karaoke people” khi đi qua con đường Phạm Văn Đồng nhiều quán nhậu, với cái ồn ã còi xe…nhưng rồi cũng nhận ra, đó đã là mùi hương âm sắc mình nhớ nhung ngày đó. Đây là thành phố của mình, hương bụi quê mình. Mình không thương đủ thì thôi.
Năm nay ở nhà rồi, nhớ hương bụi Tokyo? 🙂 Nơi mài dũa những ước mơ, nơi thử thách, nơi ấm áp và lạnh lùng, nơi định hình một phần của con người mình. Lại thòm thèm cái yên lặng và cô đơn ngày đó. Mâu thuẫn mà không mâu thuẫn. Vì chúng ta sẽ luôn nhung nhớ những điều đã xa.
Có đúng không?
Đà Lạt, 24/12/2019
Rei Nguyễn