A Fragrance Blog by Rei Nguyen

Một câu hỏi tôi thường hay nhận từ những người xung quanh là “Tại sao tôi lại chọn học mùi hương ở Nhật Bản?”

Phải, Nhật là đất nước của thiền đạo và đức đạo, lặng yên hơn nhiều so với những rộn rã và hào nhoáng của kinh đô ánh sáng Paris. Đất nước này, cũng không được biết đến là perfume kingdom như Grasse của phương Tây hay Kanauj của phương Đông.

Giải thích thế nào nhỉ?

Tôi nghĩ, sâu xa nhất với tôi, đó là chữ “Duyên”. Mối lương duyên của tôi với đất nước này đã từ lâu lắm. Là quê hương thứ hai gói ghém bao nhiêu những kỷ niệm, cột mốc trưởng thành, và cả những nhận thức về thế giới quan của tôi.

Trong văn hoá Nhật Bản có tồn tại một khái niệm là 迷惑 (meiwaku), nghĩa là làm phiền đến người khác. Người Nhật xem việc biết chú ý giúp đỡ người khác lúc khó khăn làm điều hệ trọng trong hệ giá trị cá nhân, nhưng ngược lại, họ rất ngại khi… làm phiền. Để người khác phải phiền hà vì mình được xem là chuyện xấu hổ. Có lẽ vì vậy, một quốc gia sạch sẽ, an toàn, yên lặng là ấn tượng của phần lớn những người đã từng đến đất nước này.

Và với mùi hương cũng như thế 🙂

Với nhiều người Nhật, việc để người khác nhận ra mùi hương của mình là một hình thức của sự phiền hà. Hoặc nói đúng hơn, là một hình thức phô trương – show off.  Văn hoá Á Đông coi trọng sự hoà hợp (harmony), trong đó mỗi cá nhân là nhỏ bé và chú trọng đến sự đồng thuận hay quy tắc của cộng đồng, xã hội. Điều này đặc biệt được coi trọng ở Nhật Bản.  Văn hoá phương Tây, mặt khác, chú trọng đề cao cái tôi. Mỗi cá nhân được khuyến khích thể hiện bản thân, vì quan điểm một bản thân có màu sắc sẽ làm nên một xã hội đa dạng, phát triển.

Vậy, văn hoá đó có ý nghĩa nào đối với mùi hương?

Tôi nghĩ, đâu đó nó dẫn đến sự hạn chế của việc bộc bạch cái tôi cá nhân qua mùi hương chăng? Khác với thời trang, nơi Nhật Bản có Yohji Yamamoto hay hub thời trang Harajuku, mùi hương mang một chiều kích khác. Bạn có thể che mắt bịt tai, nhưng với mùi hương, khi những phân tử mùi hương lang thang trong không khí, bạn không có cách nào khác ngoài việc để mặc cơ quan khứu giác của mình làm việc. Ừ mà, khứu giác, thông qua mùi hương, là nơi tác động đến não bộ nhanh nhất trong tất cả các giác quan đó.

Một số người bạn sành điệu của tôi từng nói với tôi rằng, những mùi hương của Nhật, Hàn, hay nói chung là Á Đông, phần nhiều là… đơn điệu quá! Nhẹ quá! Sillage hẹp quá!  Mùi hương mang ấn tượng Châu Á sẽ thiên về khuynh hướng single note, thiên nhiên  – hồng, lài, cam, chanh, mẫu đơn, gỗ đắng… đơn giản, thanh sạch, dễ mặc, dễ dùng…Tôi thấy điều này khá đúng, đó là lý do vì sao JO MALONE, và gần đây nhất là AERIN đặc biệt thành công tại thị trường Nhật Bản.

Mùi hương mà khiến người ta nhận ra từ phía xa, hấp dẫn, khơi gợi trí tò mò (đến mức đôi khi họ sẽ hỏi hôm nay bạn dùng loại nước hoa gì)… chắc chắn không phải là điều đa phần người Nhật chọn. Họ cũng không mưu cầu việc được người khác ngưỡng mộ mùi hương của mình. Rất khác với phương Tây, “mùi hương của bạn rất tuyệt” là một lời khen tuyệt vời, và ngược lại, “you stink” (bạn hôi quá) – là điều khiến người khác mất tự tin nhất bạn có thể thốt ra.

Thế nhưng, điều đó không mang nghĩa rằng người Nhật không yêu mùi hương. Theo sự du nhập của Đạo Phật vào Nhật Bản, người dân đã sử dụng nhiều loại hương thơm từ gỗ và nhựa cây trong thiên nhiên. Đây là tiền đề quan trọng của sự hình thành Hương đạo (香道 – Koudou – incense ceremony) sau này. Tôi yêu Koudou và đó là một trong những lý do lớn nhất đưa tôi đến Nhật. The way of incense – đây sẽ là một chủ đề rất dài, tôi sẽ viết nhiều hơn ở một topic riêng.

Koudou – Nghệ thuật thưởng hương Nhật Bản

Một không gian thanh tịnh mang mùi hương gần với thiên nhiên là điều người Nhật đặc biệt chú trọng. Người Nhật yêu hương trầm trong thờ tự, túi thơm dắt theo bên Kimono để giữ trang phục thơm tho, hay hương thơm của gỗ Hinoki theo chân họ từ đền thần thiêng liêng đến bồn tắm Ofuro dân dã. Hương thơm được áp dụng rộng rãi cho không gian, đời sống. Mùa xuân, đất trời đượm mùi sakura thanh toát, mùa hạ với gardenia, mùa thu với hương mộc tê – osmanthus, và mùa đông, với tôi là narcissus. Một người chị nói với tôi, chị ấy cảm nhận được điều gọi là “mùi Nhật” một cách mạnh mẽ nhưng không thể nào diễn tả được. Đơn thuần là ôm một người bạn người Nhật, hay ngộ nhất, là chỉ cần bước ra khỏi cửa máy bay đã cảm nhận được mùi hương đó rồi. Vậy đó, mỗi nơi ta đến có một mùi hương. Và mùi hương đó gắn liền với ký ức.

Với tôi, mùi hương khi bước đi ở Omotesando, Harajuku, Shinjuku, Shibuya, Roppongi… hay bất cứ nơi nào ở Tokyo đều khác nhau lắm. Omotesan có rất nhiều thông, và phần mộ, tôi nhớ đến ký ức một chiều tháng 5 bước ngang qua một nghĩa trang an bình và cảm nhận sự hoà quyện thiêng liêng của người sống và người chết…ở đây, nghĩa trang không mang cảm giác tịch mịch, nhưng đơn giản là một phần hoà quyện với người sống. Vẫn gần gũi, vẫn chứa chan. Hay Harajuku, mùi của phấn và bụi đường. Giam cầm. Nổi loạn. Tắc kè. Phá cách.

Mà, bạn biết không, mùi hương trong quan niệm của người Nhật, đang chuyển mình.

Người trẻ ở Nhật, bước ra ngoài thế giới, đã hấp thụ văn hoá, bao gồm cả văn hoá mùi hương. Isetan là nơi tôi có thể tìm thấy hầu hết những thương hiệu nước hoa, bao gồm thương mại lẫn niche. Mỗi năm vào độ tháng 11 đều có diễn ra tuần lễ mùi hương (fragrance week) tại Isetan, nơi quy tụ tất cả những thương hiệu đình đám nhất triển lãm và thực hiện hàng loạt những talk show mùi hương khác nhau. Đây là thời điểm tôi gặp gỡ hầu hết những tiền bối trong ngành, và cả những thần tượng trong lĩnh vực bào chế nước hoa.

Thời điểm này, từ giá trị truyền thống của hương đạo đến quan niệm mới về mặc và thưởng thức mùi hương, là thời điểm chuyển mình của Nhật Bản.

Mà, nhiều thương hiệu tuyệt vời lắm, Fragrance R, Tobali, Garment… đều trẻ và tài năng. Tôi ngưỡng mộ các tiền bối ấy vô cùng.

Đến Nhật, phải mua nước hoa Nhật, tôi nghĩ, sẽ là gần lắm.

Tokyo, 19/12/2018

Previous post
Next post
Related Posts
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.