Bạn bảo với tôi: “Rei này, cuộc đời không chỉ có mùi hương.”
Bây giờ, cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh chủ đề này. Vừa ăn vừa mở video tài liệu xem, rửa chén vẫn lắng nghe, tất cả bài vở cũng xoay quanh perfumery và aromatherapy. Cuối tuần, hoạt động re-creation của tôi là các meetup, event về mùi hương, chuỗi workshop DIY nước hoa cho cộng đồng, soạn tài liệu, tìm khách mời, rồi nghĩ nội dung cho perfume channel. Cuộc sống của tôi, một màu như thế đó. Không hiểu sao mọi thứ cứ nhịp nhàng vậy, tôi không cảm thấy hệt hay quá tải, và hương thơm thì cứ quanh quẩn ngay cả trong những giấc mơ.
Càng học càng thấy nhiều cái phải làm. Càng học càng thấy mình nhỏ bé.
“Nếu em chỉ sống một cuộc đời mùi hương, đôi khi em sẽ mất khi lăng kính từ góc nhìn của những thế giới khác.”
Tôi nghĩ về điều bạn nói với tôi nhiều lắm.
Rất lâu rồi tôi không ra rạp xem một bộ phim, không biết thần tượng số 1 trong lòng fan girl là ai, cũng chưa xem Diên Hy Công Lược (cười), không bắt nhịp đà những mảng khác của cuộc sống, không đọc những trang reuters hay inc như trước đây. Nói chung là, tôi chậm nhịp lại với thế giới.
Bạn nói tôi, “Rei thử tối nay dành một chút thời gian xem The full-metal Alchemist đi.”
Tôi xem thật.
Và tôi hiểu vì sao tôi cần nó lúc này.
The alchemist – nhà giả kim – bất cứ khi nào thực hiện một cuộc chuyển hoá – đều dựa trên nguyên tắc: đánh đổi cái này để có được cái khác tương đương về lượng và chất. Nhà giả kim chân chính phải tính toán chính xác từng loại nguyên liệu sử dụng để chuyển hoá, không thừa, không thiếu. Không được phép hoá không thành có. Vật muốn đổi hay chuyển hoá càng lớn, sự hy sinh phải tương đương.
Tôi nhìn lại bài toán đánh đổi của mình.
Nhìn vào thuật giả kim của chính tôi.
Trong full-metal alchemist, hai cậu bé vì muốn được nhìn thấy gương mặt người mẹ đã qua đời lần cuối, đã phải đánh đổi một chân trái, một tay phải của người anh, và thân xác của cậu em trai. Cậu em chỉ giữ được linh hồn và nhốt vào hình hài của một bức tượng đồng biết đi. Cả hai anh em, trên hành trình giành lại phần cơ thể của chính mình, đã phải đánh đổi bằng tất cả năng lực để cứu giúp cho người khác. Là, cứu giúp cho NGƯỜI KHÁC.
Vậy đó, thuật giả kim, là sự chuyển hoá những thứ có giá trị tương đương, không phải trò phù phép hay làm màu.
Thuật gỉa kim mà tôi đang theo đuổi, mùi hương mà tôi đang theo đuổi, là sự đánh đổi của tuổi trẻ, thời gian, lựa chọn, những cuộc vui, những giấc mơ khác trong cuộc đời. Tôi phải tích luỹ nhiều hơn nữa, mới có được mùi hương quý giá. Cái ngưỡng “đạt được” ấy, không phải để ai công nhận hay tán dương, cũng không phải để người khác đánh giá. Có lẽ, sẽ là khoảnh khắc tôi tự cảm nhận khi hòn đá phù thuỷ tự rơi vào túi mình. Như trong Harry Potter ấy, phần thưởng đích thực không thuộc về người muốn sở hữu, nhưng là dành cho kẻ muốn kiếm tìm, và sẽ tìm thấy.
Tôi xem xong the alchemist, mở cửa phòng, sọt đôi giày vải và đi bộ dưới bầu trời đầy sao. Tôi đi chậm, nghe tiếng xe điện và ánh đèn từ ga phía xa xa, vài người hối hả cho bữa tối muộn, vài người mỏi mệt, vài người tươi vui. Tôi không mang điện thoại, chỉ mang vài đồng lẻ để mua một tách cà phê nóng ở góc bàn quen, ngồi yên lặng nhìn đêm nước Nhật vốn không mấy tiếng người cười nói, chỉ có tiếng bước chân.
Tôi tự hỏi, cuộc sống của chú làm bánh donut, với muôn vàn những chua cay mặn ngọt, sẽ thế nào?
Cuộc sống của một nghệ sĩ múa ba lê, cách họ cảm nhận âm sắc sẽ thế nào?
Cuộc sống của người mẹ đơn thân, ưu tiên cuộc đời họ sẽ thế nào?
Tự nhiên tôi nghĩ, mùi hương của tôi, chất liệu phải từ cuộc sống, từ trải nghiệm của chính mình. Tôi đang chú trọng nhiều đến kíến thức ngành, đến những công thức hoá học. Điều đó cần thiết, nhưng phải chăng tôi đang quên cách cảm nhận cuộc sống, nhấm nháp từng chút một. Tôi muốn mùi hương của tôi chạm đến mọi người, thế chẳng phải việc nuôi dưỡng những rung cảm từ cuộc sống mới là điều hệ trọng hơn sao?
Ăn hết cái bánh donut, thấy cuộc đời thơm ngon lạ kỳ 🙂
Nhân tiện, bánh donut phiên bản cận Haloween nè, dễ thương không?
Tháng 10, ngày 9, năm 2018
Rei