Sài Gòn báo gần chạm mốc 1000 ca nhiễm, chiếc mũi khụt khịt của tôi hay của bạn đều cảm nhận rõ “mùi hiểm nguy” vởn vơ trong không khí. We all can smell the danger. Literally.
Newsfeed của tôi bắt đầu hiển thị những cái tút ngắn của bạn bè, chia sẻ về chủ đề #throwback. Những nơi bạn đã đi qua, những người bạn đã gặp, những cơn nắng Châu Âu – Châu Á đã khác nhau như thế nầo… đều được nói lên qua những bức ảnh. Tôi cũng đã hình dung, khứu giác của bạn và cả của tôi, đã khoan khoái ghi nhận những khoảnh khắc hạnh phúc khi trải nghiệm những vùng đất mới đó. Những chiếc mũi tò mò, hạnh phúc. Chúng ta đã ghi nhớ những kỷ niệm rất khác nhau, với những mùi hương khác nhau, nay đã được dán chiếc tem “mùi nhung nhớ” lên những chiếc hộp to nhỏ mang tên ký ức, chỉ lặng lẽ chất chồng.
Ngày trước khi đọc Harry Potter, tôi vẫn thường muốn được trải nghiệm dùng cái khoá cảng. Khoá cảng có thể là bất cứ vật dụng gì, một chiếc giày cũ, một cái ống bơ, một vạt áo sờn rách dọc đường… được đặt bùa chú để vận chuyển người cầm nó đến một không gian khác. Năng lực tương tự như khoá cảng có thể kể đến cánh cửa thần kỳ của mèo máy Doraemon. Nhưng bước qua bước lại thì hơi dễ quá. Khơi khơi mặc quần sooc áo phông tay cầm cây cà rem mà mở cửa bước một phát đến Paris đôi khi chẳng cảm giác gì mấy. Tôi muốn gió thốc lên. Ruột gan quắn quéo và trái tim thòng xuống trong vòng vài giây cũng được. Trước khi cơ thể được bốc đến một không gian khác. Đại loại là bỏ sức một chút. Bạn chỉ thấy một chuyến phiêu lưu có cảm giác thành tựu sau khi mệt mỏi xếp hàng đi vài chuyến bay, hành lý khệ nệ, thủ tục nhập cảnh xuất cảnh… để đổi lấy những giây phút ngắn ngủi hơn khi mũi được ngửi, tai được nghe, tay được chạm, và đôi mắt được nhìn thấy. Chờ đợi và (đôi khi hơn) một chút khổ sở chẳng phải là một thứ gia vị khiến mọi hành trình ý nghĩa hơn sao?
Giả dụ như, ừ thì, nếu bạn có chiếc khoá cảng, được đưa đến một nơi thương nhớ hay mơ ước, bạn nghĩ nơi đó sẽ có mùi hương gì?
Với tôi, chắc chắn Sendai sẽ là nơi chốn đầu tiên. Tôi mặc Zen Classic Cologne của Shiseido, đi ngược nắng mặt trời hoàng hôn lúc 6h. Tôi sẽ đi bộ trên con đường rợp bóng cây của thành phố vốn được xem là xanh nhất của nước Nhật này. Bạn sẽ không thấy đâu tăm tích của mất mát và đau thương từ thảm hoạ động đất sóng thần năm 2011 đã từng khiến toàn Sendai vụn vỡ. Giữa Sendai bây giờ, bạn vẫn sẽ ngửi – thấy mùi-màu xanh mơn mởn. Cái xanh của galbanum luôn khiến tôi rùng mình, nhưng cùng với hyacinth, cam hương và diên vĩ trong Zen by Shiseido, tôi thấy gần với Sendai hơn cả. Thong dong và an bình.
Bụi hương phấn – xanh quẩn quanh lớp áo chẳng mảy may bụi đường dẫu đã đi xa, vương vít nhẹ nhàng khi cổ tay của bạn đẩy cánh cửa mộc bản bước vào những cửa tiệm bé bán Omiyage – quà tặng – đặc sản địa phương. Có thể là búp bê gỗ, quạt giấy, hay chiếc gương trang điểm khảm hoa trà – tsubaki – một loài hoa được người Nhật đặc biệt yêu thích. Mùi hương xanh sạch ấy sẽ ở với bạn đủ lâu để trở thành một món quà của thành phố dành tặng người lỡ yêu và lưu luyến nơi này.
Tôi sẽ nhắm mắt cảm nhận được gió giật và toàn thân được nhấc bổng đến khi đâm sầm vào một tối đặc quánh mùi hương của que thịt xiên thơm phức
ở một góc đâu đó gần Kowloon, Hồng Kong. Tôi mang giày thể thao lang thang từ cảng Victoria đến những con đường lạ mà quen Hai Phong, Ha Noi. Tôi không thích lắm món chiên dầu, nhưng cải xào dầu hào hay thịt xiên ở thành phố này thì đặc biệt cuốn hút. Ăn xong đi tiếp quẩn quanh chợ đêm, sẽ không khó để thấy những sạp lều nhỏ của các “Fortune teller” – nôm na là xem bói. Tôi không xem bói bao giờ, chỉ thích lặng lẽ quan sát nét mặt của những người bước vào và ra từ đó. Họ cười vui, phấn khích hay lặng lẽ, đăm chiêu? Phần lớn thì tôi thấy họ trầm ngâm. Không biết điều họ nghe được có giống với những gì họ hy vọng? Tôi không biết. Tôi chỉ biết mình sẽ không mặc nước hoa đi giữa Hongkong. Vì tôi thích ngửi mùi đường phố ở đây lắm. Vậy thôi.
Chắc tôi sẽ muốn men theo khoá cảng đến Grasse. Vùng đất tôi đã lỡ hẹn vì dịch covid. Tôi sẽ lẩn thẩn mãi ở những cánh đồng, luồn tay mình vào những khóm huệ đương mùa hái. Ngón tay tôi sẽ nức nở mê li. Và mũi tôi thì không ngừng khụt khịt. Tôi sẽ xin đến những nhà máy nguyên liệu gần đó, xem người ta rải hoa hồng tháng năm sau thu hoạch và đưa vào hệ thống chiết xuất C02. Tận mắt thấy rose concrete sẽ thế nào, những giọt absolute vàng óng đầu tiên nhỏ ra sau quà trình chiết xuất – điều tôi chỉ được học trong sách vở. Tôi sẽ ôm giỏ hoa đi khắp những con đường lát đá, à không hơi thơ thẩn quá thì chắc sẽ tắp vào đâu đó ngồi thưởng thức một tách trà, nhìn trời nắng ở thành phố ngàn hương này. Chắc chắn phải mua nước hoa ở Grasse. Nhưng hẳn tôi sẽ không chọn Fragonard, mà tìm tới một cửa hàng nào đó sưu tầm nước hoa vintage. Tôi hy vọng sẽ tìm thấy L’air du temps của Nina Ricci, hay Diorissimo của Dior, Jicky của Guerlain những ngày xưa cũ. Tôi vốn ngưỡng mộ bộ sưu tập nước hoa vintage của cô gíao tôi, và được truyền tình yêu từ việc giữ bên mình những quyển sách cổ, những chiếc lọ đôi khi sứt mẻ đôi chút hay chỉ còn vài giọt đọng trong chai… nhưng đó là hiện thân của thời gian và mùi hương đi cùng nó. Như khoảnh khắc bạn tìm được một bản thu âm cũ, hay một chiếc đĩa nhạc xưa bạn yêu thích ở mội hiệu băng đĩa xa lạ nào đó. Trái tim bạn sẽ hạnh phúc với tất cả sự vui thích và cảm động. Như một cái duyên để gặp nhau giữa cuộc đời vốn có quá nhiều lựa chọn này.
Rồi, khoá cảng sẽ cho tôi ra Hà Nội. Tôi có một tình cảm tương đối phức tạp với Hà Nội. Tôi mê mẩn sự lãng mạn ở đó. Mặc dù nhiều người bạn Hà Nội bảo tôi chẳng lãng mạn tí nào. Ơ, một thành phố của những chiếc hồ rộng như sông, lộng gió, khiến mỗi buổi chiều hoàng hôn đều thơ mộng như trong một bộ phim. Một thành phố của những mùa hoa, của mùa nào – thức nấy. Tháng tư ra, bạn đi khắp quán xá từ bình dân đến sang trọng, đều lẳng lặng một cành loa kèn trắng bình yên. Hà Nội lạ ghê, vậy mà bảo không lãng mạn. Mà nhiều khi Hà Nội quen rồi, thấy vậy là bình thường chăng… Mặt khác, tôi sợ bị mắng ở Hà Nội. Tôi không ham bún mắng lắm. Bắt grab mà ra muộn tí bác mắng phát là tim tôi đập mạnh ngay. Tôi sợ lúc thời tiết oi bức, cả người muốn chảy ra như sáp đèn cầy. Nhưng có lẽ chỉ cần một bát bún ốc Hoè Nhai, một hộp xôi xéo, thêm phần miến lươn khô… thì tôi lại cứ có động lực mà thương Hà Nội. Chuyện, tình yêu phải đi qua dạ dày. Có vài dự án cần ra Hà Nội nữa, và quán ngon mới trong list để dành thì chỉ một nhiều lên… Dịch ơi, khi nào mi mới đi qua đủ lâu chỉ cho một chuyến bay nội địa?
Trong Harry Potter, đoạn truyện tôi chê trách nhất cái khoá cảng, hẳn là lúc nó đưa Cedric Diggory đến cùng với Harry trước mặt Voldermot. Avada Kedavra. Cedric chết. Trái tim tôi đông cứng lúc đó. Không phải lúc nào nơi muốn đến cũng là nơi cần đến. Không phải ký ức đáng nhớ nào cũng là ký ức vui.
…
Bạn tôi, đứa bạn tôi rất thương, gọi cho tôi hôm qua. Sau một mùa dịch, trái tim của cô ấy mang một vết sẹo mới, một vết sẹo dẫu đau nhưng đánh dấu một tình yêu tự hào. Cô ấy đã yêu hết mình hết sức. Tôi đã thấy mắt bạn mình lấp lánh hạnh phúc ở những ngày đầu tiên gặp gỡ người cô ấy yêu thương, những giọt nước mắt lúc xa cách nhau trăm ngàn cây số, và cả sự nhẹ tênh trong giọng nói khi buông lời chia tay. Tôi thương bạn mình, nhưng tôi nể phục sự mạnh mẽ đó. Bạn tôi đầy kiêu hãnh, và tử tế. Tôi nhớ ngày cô ấy đến thăm tôi trong chiếc phòng thuê nhỏ xíu những ngày ở Nhật, chúng tôi cùng nhau đi Hakone vào dịp năm mới, xếp hàng rồng rắn chỉ để ăn quả trứng luộc từ núi lửa để sống thọ thêm 7 năm. Cười. Tôi nhớ cái mùi lưu huỳnh trong chuyến đi đó. Khoá cảng mang mùi hương kỳ kỳ. Nhưng những mùi hương kỳ kỳ gắn với một ký ức hạnh phúc bỗng thi vị một cách kỳ lạ, dẫu hài hước. Bạn tôi, chắc lâu sau sẽ quên đi tình yêu cũ, chỉ có mùi hương nào đó là còn lại mà thôi.
Tôi không biết, và không chắc khi nào Sài Gòn sẽ khoẻ mạnh trở lại. Tôi đang trông cái khoá cảng sẽ xốc bọn virus đến một hành tinh chết nào đó. Và các nhà khoa học sẽ làm một bộ phim tựa đề “Chết ở hành tinh chết” cho chúng. Vậy tôi sẽ vui lòng lắm.
Tôi cũng không biết, khi nào những chuyến bay được mở trở lại. Cho tôi gặp lại những người bạn xa cách lâu ngày. Cho giấc mơ hương của tôi được bay xa hơn một chút. Ông xã từng lên kế hoạch một chuyến đi mà tôi rất cảm động khi nghe anh ấy kể mãi sau này. Còn bây giờ, chúng tôi vẫn hạnh phúc cùng nhau trồng cây, chăm hai chú chó mèo, đọc sách, chạy bộ. Những điều nhỏ bé may mắn vẫn được cùng nhau làm hằng ngày.
Những cơn thèm dịch chuyển vẫn đến với tôi và bạn thường xuyên hơn trong những giấc mơ. Nên tôi chỉ mong mình không mất đi kiên nhẫn trong những ngày chờ đợi này. Chờ khoá cảng trở thành tấm vé máy bay thực thụ. Chờ biên giới lại mở ra. Chờ ngày đoàn tụ.
Chờ những chuyến phiêu lưu.
4/7/2021
Rei Nguyen