Độ hai tháng nay, một vài sự kiện và những lần gặp gỡ khiến tôi nghĩ về từ “rebirth”. Khi người ta được sinh ra lần nữa.
Dĩ nhiên nó là một trường tư tưởng, gắn liền những thời điểm khiến người ta nhận ra rằng mình đã thay đổi một cách mạnh mẽ. Theo cách không nhất thiết là tốt hơn đâu. Tôi nghĩ. Não bộ dường như được lập trình lại. Trái tim đập những nhịp không như trước. Đây là một quá trình chậm rãi và từ tốn, đến mức khi nhận ra thì việc đảo ngược là không. Hoàn toàn không.
Thế thì, trong một cuộc đời, rốt cuộc có bao nhiêu lần như vậy? Những lần tái sinh ấy, từ tro tàn của cái cũ là chạng vạng hình thành của cái mới. Khi huy hoàng, khi trầm kha, khi ồn ào náo nhiệt, khi lặng lẽ âm thầm, khi có người chứng kiến, khi độc bước qua cầu. Muôn hình vạn trạng. Như cơn bão Yagi người ta nói từ năm Giáp Thìn mỗi 60 năm. Chưa bao giờ gió trở nên cay nghiệt và mưa tàn độc như thế. Mưa không mơn man, và gió không phiêu du như cảm xúc trong triển lãm tôi làm hai tháng trước. Gió và mưa khiến tôi sợ và rùng mình. Gió và mưa, có đang tái sinh trong chỉ hai đến ba ngày trong dáng hình của bão? Chứng kiến nhiều nước mắt như thế, mưa – gió, cảm thấy điều gì?
Tôi không biết.
Duy tôi cảm nhận rằng, đó là một phần của tự nhiên. Con người làm chủ thiên nhiên trong một vài bối cảnh kiến trúc, cảnh quan. Ta cắt tỉa cây thành vườn, tạo vòm phun nước, sử dụng hệ thống điều chỉnh gió – sương. Nhưng đó chỉ là những nỗ lực bé nhỏ. Thiên nhiên rộng lớn, rất bao dung nhưng không dễ đoán. Con người khi ấm áp, khi co ro trong sự bảo bọc ấy, thiên nhiên không phải khi nào cũng dịu dàng.
Lại nói đến những tái sinh trong cuộc đời.
Lần “tái sinh” gần đây nhất, với tôi, có lẽ là Noel năm ngoái, khi lần đầu tiên trong đời áp má đứa con đầu lòng. Trong hơi lạnh của ê-te và mùi tanh máu, tôi cảm nhận sự dịu dàng êm ái nhất thế gian chạm vào mình. À, hoá ra đây là cảm xúc người ta vẫn nói đó sao. Cảm xúc gắn với khoảnh khắc tôi sẽ đổi thay mãi mãi sau khi bước ra khỏi cánh cửa phòng sinh mổ. Tôi làm mẹ rồi.
Đó là một trạng thái cả cơ thể lẫn tâm trí dốc toàn lực để cảm nhận và chống lại cái tê dại và hoang mang của cơn sinh. Mắt tôi hơi hoa lên, còn con trai tôi thì như thể xuất hiện giữa giàn ca múa nhạc của các thiên thần. Đẹp đẽ như trong một bộ phim nào đó. Tôi chưa thấy điều gì đẹp như thế trong cuộc đời. Người ta nói để bảo vệ em bé, hạt hạnh nhân amygdala trong não bộ của người mẹ được kích hoạt mạnh mẽ.
Thế giới quan của tôi phút chốc xoay quanh những naps ngủ ngắn, những lần vắt sữa trong đêm, những buổi sáng thiếu ngủ trầm trọng, những ảo thanh cứ hoài nghe tiếng con khóc, nụ cười đầu tiên của con khi nhận ra mẹ… Tôi không chắc mọi hình ảnh tái sinh đều rực rỡ như phượng hoàng, nhưng bản thể này của tôi, đầy tràn những trải nghiệm tôi vốn nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ sẵn sàng, và mình chưa tốt đủ. Khứu giác trừu tượng của tôi tìm tro tàn và lửa, còn khứu giác thực, là đượm mùi hương sữa của chính mình, của cánh tay hồng và da thơm bé bỏng, của mùi phân su non nớt tuần đầu tiên.
Người ta sẽ tái sinh qua mấy lần trong đời người? Có chăng là khi đi qua những dặm dài của trải nghiệm xúc cảm thân thể và tâm trí. Một đứa con sinh ra. Hay một lần vật lộn với ngôn ngữ và nhân diện mới ở một phương trời xa lạ (người ta vẫn nói rằng chúng ta dường như trở thành người khác khi nói một ngôn ngữ khác đấy thôi). Một tình yêu đến. Một tình yêu rời đi. Trái tim mở vì hân hoan hay khép lại vì cơn đau quá độ…. Là khi bản thể cũ đủ cảm nghiệm để bày tỏ rằng “Đến lúc phải khác đi”.
Còn tái sinh trong nghệ thuật?
Hôm trước, tôi đến thăm triển lãm của anh Phạm Tuấn Ngọc trong “Chloris Nova”. Anh Ngọc vốn có dấu ấn riêng trong những thước ảnh trắng – đen tuyệt đẹp. Và hoa – chủ thể chính trong thể nghiệm – được khắc hoạ với kỹ thuật in lumen với giấy ảnh đen trắng. Đó là một hiệu ứng đầy mê hoặc và khác lạ. Mắt tôi trôi trong những gân cánh hoa ẩn hiện, chút mực xanh đâu đó xung quanh cánh hoa, hay những ánh bạc lung linh như cánh bướm đêm… Trong thoáng đầu gặp gỡ, tôi không khỏi ngập ngừng “Đây là tranh, hay nhiếp ảnh?”. Vẻ đẹp của hoa thực lẫn vô thực với tầng lớp những hiệu ứng mang sắc độ khác nhau. “À, trong mắt của anh Ngọc, hoa mang vẻ đẹp như thế đó”. Tôi nghĩ, đây là hoa của Phạm Tuấn Ngọc rồi. Hoa được tái sinh và ghi lại trong ngôn ngữ nghiếp ảnh đậm mỹ thuật. Và anh Ngọc chia sẻ như thế thật, khoảnh khắc tái sinh chính là đây.
Tôi thích nhìn hoa, và làm những mùi hương hoa, chỉ gần đây thôi. Trước đó tôi chìm đắm trong nét hăng đặc quánh của da, gỗ, khói thuốc của những hợp hương gỗ, đất cát, rêu sồi… Không có diễn giải gì đặc biệt, chỉ là tôi cảm thấy bị thu hút về những mùi hương đó một cách rất bản năng. Hiện tại, lại là những nốt hương ngọt ngào, tràn đầy nữ tính. Tôi như ong mê mật ngọt, yêu thương tất cả những gì có sự nữ tính ở đó. Tôi muốn ôm chầm lấy những người mẹ quanh mình. Tôi thương mẹ của tôi hơn trước nhiều lắm, vì nay tôi mới cảm nhận được tình thương sâu sắc của bà, dẫu sau hơn 30 năm làm con gái của bà nhưng luôn như đứa con trai trái tính. Tôi thấy mình thiếu sót nhiều khi khước từ sự chăm chút êm ái của mẹ. Sao tôi thấy mẹ thiệt thòi khi làm mẹ của tôi quá!
Có điều, cũng như anh Ngọc với Chloris Nova với hoa trên lumen lấp lánh, tôi cũng đau đáu giấc mơ tái sinh hoa trong phẩy hương của mình. Nếu hoa hồng ngửi như hoa hồng, thì nên ngửi từ thiên nhiên. Tôi không gẩy mộng làm tốt hơn thiên nhiên vì chẳng bao giờ làm được. Hoa của tôi ôm ấp những nỗi niềm nào, buồn hay vui, phải đợi thấm đượm đủ đầy những hạnh ngộ mới ra được dáng hình của mùi hương được. Bây giờ, tôi vẫn cứ tích trữ thêm dịu dàng. Đấy là ngôn ngữ tôi nghĩ tôi còn thiếu. Phần nhiều của cuộc đời tôi nói không với những điều mà không phân loại được. Hay đúng hơn là sự cứng đầu của tôi trong chuyện cho rằng mọi sự trên đời đều có một nơi cho nó. Nhưng chính từ bản thân mình, tôi tha thiết thấy, đôi khi chẳng cần để đưa vào nhóm gì cả. Đó là một đơn vị tồn tại độc lập mà hạnh phúc. Chẳng cần thiết phải luôn thuộc về đâu.
Những cánh hoa phấp phới trong tâm trí của tôi lúc này: Sen – Diên Vĩ – Thuỷ Tiên – Hồng – Nhài – Mẫu đơn – Protea …
Nghệ thuật của tôi ấp ôm thêm nhiều phần những câu chuyện và cảm hứng hương thơm chờ gọi mở.
Tôi đợi hoa kể tôi nghe khi chúng sẵn sàng để trải qua một màn mưa bụi tái sinh…
Sài Gòn,
Chếch mưa ngày 25/9/2024
Rei Nguyễn