Tôi đến dự buổi trò chuyện với Benjamin Almairac vào tháng 10 năm 2018, trong tuần lễ mùi hương (fragrance week) cho Isetan tổ chức. Buổi trò chuyện gói gọn trong 120 phút dành cho khoảng 30 khách mời. Trước đó, tôi chỉ nghe đến cái tên Parle Moi de Parfums, nhưng chưa có dịp ngửi bất cứ mùi hương nào từ nhà này. Parle Moi de Parfums, mang nghĩa đen là “Talk perfume to me”, có vẻ… khó đọc, nhưng lại có nét hóm hỉnh, vừa thách thức, đầy thú vị.
Lần này, nghe chính tác giả kể về những tạo-hương-của-cha-mình, quả là một dịp hiếm có.
Benjamin Almairac (giữa)
Ghi chút trong hội thảo (dính tay anh Yusuke rồi :p)
Rei cùng các anh chị và Benjamin sau buổi hội thảo
Benjamin Almairac là con trai của perfumer Michel Almairac, vốn là người cha lớn trong ngành mùi hương với những mùi hương mang tính biểu tượng như Fahrenheit Christian Dior, Chloe, Gucci Pour Homme… Michel nổi tiếng với triết lý “Less is more”. Khác với rất nhiều perfumer khác lựa chọn tạo mùi hương từ nhiều thành phần và nguyên liệu. Ông hướng đến việc hiểu và nhuần nhuyễn thuần thục sự kết hợp các facets mùi hương. Tối giản số lượng thành phần, nhưng tối đa sự uyển chuyển và nghệ thuật tỉ lệ. No less. No more.
Mùi hương, bản chất, cũng chính là sự cân bằng và hoán đổi như nguyên tắc của giả kim. Không phải cứ thật nhiều nguyên liệu mùi hương sẽ đẹp, và ngược lại.
Michel và Benjamin đem tinh thần đó vào Parle Moi de Parfum. Michel là perfumer và chiếc mũi – linh hồn của nhà hương này. Benjamin, trong sự đồng điệu và thừa hưởng tài năng từ người cha, chính là người trực tiếp đánh gía và quyết định mùi hương. Hẳn bạn sẽ tự hỏi sự kết hợp này mang ý nghĩa gì, khi bố già Michel hoàn toàn có thể cộng tác với những evaluator hàng đầu? Và vì đâu, khi tuổi đời đã ngoài 60, ông vẫn bền bỉ khởi đầu một thương hiệu mới chỉ bắt đầu từ 2016 – 2017?
Nhà Almairac – Michel Almairac ở bìa phải. Ảnh: Internet
Nếu số mệnh đã gắn với nơi con người sinh ra và lớn lên, không thể không nhắc đến việc perfumer Michel Almairac được sinh ra vào đầu những năm 50 tại thị trấn được mệnh danh là chiếc nôi của mùi hương thế giới – Grasse. Tôi không ngạc nhiên khi ông hiểu nguyên liệu như thế, bởi đó đã là một phần của thiên nhiên từ vùng đất nuôi dưỡng ông từ những ngày đầu tiên.
Sự kết hợp của Michel Almairac và Benjamin Almairac, mang nhiều ý nghĩa một truyền thống thừa kế của gia đình. Họ hoạt động trên một nguyên tắc đơn giản, ngừời sáng tác, người đánh giá, và chỉ trình làng những sản phẩm của mình làm ra. Chúng ta không xa lạ với câu chuyện tiếp nối các thế hệ trong ngành mùi hương, khi thế hệ sau kế thừa di sản và phát huy những gía trị, bí quyết, và triết lý mùi hương của họ. Với nhà Almairac, tinh thần đó hiển hiện chuẩn mực, đủ đầy.
Trở lại, Tomboy neroli 65, như tên gọi của tạo hương, là một mùi hương lấy hoa cam làm chủ đề chính. Điều thú vị của con số 65 kia? Không phải mang ý nghĩa số nguyên liệu sử dụng như Lelabo. Khác đi một chút, đó thể hiện số lần điều chế để có được bản hương hoàn hảo từ Michel. Trials và errors là chuyện thú vị nhất, đôi khi đau khổ nhất, nhưng cũng thoả mãn trí tò mò nhất của perfumer. Tôi vẫn nhớ cảm giác không ngủ được với những công thức dở dang. Câu trả lời đôi khi đến dễ dàng, đôi khi mất nhiều tháng, nhiều năm để tìm được tỉ-lệ-vàng. (Giống như bạn phẫu thuật đập thẩm mỹ đập đi xây lại vậy, haha!)
Lại trở lại với Tomboy Neroli…
Tôi chưa từng gặp ai không thích hoa cam. Hoa cam thanh khiết, mang trong mình cái sắc sảo sẽ sàng của citrus, lại lai lái chút hương hoa ngọt đặc trưng của nhà hoa trắng. Được mệnh danh là loài hoa unisex, hoa cam không bánh bèo, cũng không quá đàn ông. Hoa cam trong vườn mưa ngày đó tôi đến thăm ở Vĩnh Long, nhớ lại, vẫn còn ngan ngát.
Cứ những Tomboy Neroli cũng sẽ theo style trong trẻo, thanh khiết như những công thức đã rất thành công ngoài kia (và phần nào cũng dần nhàm chán). Hoa cam của Parle Moi de Parfum, khác.
Hoa cam với tông woody animalic, người và nhục cảm. Hoa cam quấn quyện với gỗ trên da người, hiển hiện cá tính rõ ràng chứ không dè dặt. Như nụ cười nhoẻn và đôi mắt nhìn thấu tim gan của cô nàng tóc ngắn bàn bên. Hoa cam dày dặn, tỏ bày với sắc sánh của amber. Với tôi thì đó là ambroxan, một trong những thành phần chính tạo nên ambergris – long diên hương.
Ambergris là một nguyên liệu cực kỳ đắt đỏ của ngành hương liệu. Nó thực chất là chất thải của cá nhà táng, trải quá trình lênh đênh trên biển hàng trăm năm với biến đổi và thẩm thấu của muối biển và vi sinh vật biển, trở thành một khối đặc quánh, rỗng xốp. Mùi hương của ambergris (Long Diên Hương) được diễn tả là rất animalic, khi dùng một lượng vừa đủ thì tạo hiệu ứng rất da thịt và sexy trong nước hoa. Hiện nay, đa phần ambergris được tổng hợp nhân tạo dựa theo thành phần chính. Tôi đặc biệt thích nguyên liệu ambegris của nhà IFF, sâu và quánh. Mùi của da muối mặn nơi đại dương.
Tomboy Neroli, với tôi thì animalic hơn là woody. Amber chính là long diên hương từ đại dương sâu thẳm hơn là amber với nhựa cây và gỗ. À, gỗ, tôi ngửi thấy patchouli. Hẳn rồi 🙂
Mùi hương của khoáng đạt tự do, chút nghịch và bất cần như đoạn nào đó:
Girl, put your records on, tell me your favorite song
You go ahead, let your hair down
Sapphire and faded jeans
I hope you get your dreams
Just go ahead, let your hair down
You’re gonna find yourself somewhere, somehow
Chân dung phác hoạ của Tomboy Neroli, và theo lời tựa của Parle Moi de Parfum, gắn với chemise, jeans bạc và giày lười. Một chút casual, một chút classic. Chút vương vấn cuối cùng từ dry down, lại ngọt êm của white musk. Ai mà không thích xạ hương?
Tôi dùng Tomboy Neroli ở Nhật trong một ngày sa vào cái nắng mùa thu ở Ikebukuro, theo chân các otaku đến các cửa hàng truyện tranh và săn ấn phẩm. Mùi hương đó trong cái nắng trong lành và ảnh hưởng cả từ mùi nước xả vải sẵn có trên người tôi, ngồ ngộ. Rất nghịch, và Nhật. Nét animalic kia với nước xả vải sakura từ áo khoác của tôi thành một tông mùi vừa ngây thơ vừa dày dặn khá buồn cười. Nhưng rất hợp. Về Sài Gòn, tôi chỉ thử lại vào tuần trước khi bầu không khí đẫm ozone từ một cơn mưa dài từ ban sáng, lớp bụi đường xăng cộ của con đường Nam Kỳ lại như một lớp hương thành thị là lạ ủ cho Tomboy Neroli vừa rắn rỏi vừa nhu mì. Như lớp kem choco ẩn sau nhát cắn giòn rụm của croissant vậy.
Tôi nghĩ, khó nói để nói rằng thích hay không thích Neroli Tomboy. Với tôi, nó gắn với những khoảnh khắc của khoáng đạt tự do, dù gót giày sải bước trên những con phố tinh tươm của Tokyo hay Sài Gòn. Một ngày khi muốn tìm chút cảm hứng, tôi sẽ lại mặc Tomboy Neroli.
Tomboy Neroli hiện có mức giá 95euro tại các cửa hàng bán lẻ (sao nghe giống bán hàng quá trời ơi :))
Tự nhiên muốn tìm một chiếc jeans rách te tua và một cái bao da laptop mới.
Hm 🙂
Saigon, 12/7/2019