A Fragrance Blog by Rei Nguyen

Một ngày trở về từ Shibazakura no Oka (芝桜の丘) – một công viên mùa xuân nổi tiếng của tỉnh Saitama, tôi bước đi trên cung đường ngợp Hinoki. Hinoki, (tên thực vật là Chamaecyparis obsuta) hay còn được xem là Japanese Cypress, là một loại gỗ được người Nhật trân trọng và yêu quý. Ở Việt Nam, loại cây này có tên Trắc bá diệp. Tôi nhớ ngày mùa đông bước trên những rẻo đường của Đà Lạt, đôi khi cũng bắt gặp mùi hương này. Thổ nhưỡng và khí hậu làm mùi hương tuy có chút khác nhau, nhưng vẻ đẹp kỳ diệu của rừng và cảm giác an nhiên khi đi bộ dưới những tán cây, tôi nghĩ đều có điểm tương đồng.

Cây gỗ Hinoki được trồng đã hơn 1000 năm ở nhiều nơi tại Nhật Bản, quốc gia vốn có diện tích rừng chiếm khoảng 60%. Hinoki gắn liền với Thần đạo (Shinto) và Phật Đạo (Bukkyou). Người Nhật tin tưởng vào sức mạnh thanh tẩy kỳ lạ của Hinoki. Chính vậy, cây Hinoki có mặt trong hầu hết những nơi thờ phụng, đình thần, chùa chiền tại Nhật.  Như trong ảnh cổng đền Meiji Jingu tại Harajuku tôi chụp vào một ngày thứ 7 đầu tiên của mùa hè, chính là từ gỗ Hinoki. Hương gỗ Hinoki cũng là nét đặc trưng của nhang hương tại Nhật. Hinoki cũng gần gũi,  nâng niu đời sống từ bồn ngâm mình truyền thống, nhà hát kịch Noh, hay đến chiếc vợt của tuyển thủ bóng bàn. Có lời giải thích rằng, cái tên Hi-no-ki (日の木) nghĩa là The tree of the sun – Cây của thần mặt trời. Hinoki giữ đất cho đất nước lắm thiên tai này, và nâng đỡ đời sống tâm linh lẫn vật chất của người Nhật. Họ gọi đó là gỗ thiêng – “sacred wood”.

Gỗ Hinoki sau khi được xẻ sẽ được phơi khô trước khi đưa vào sử dụng. Ruột gỗ, mang màu trắng với lõi ngả hồng đỏ đặc trưng. Các kiến trúc sư thường gọi đó là “white wood” – loại gỗ trắng mà người Nhật yêu mến. Gỗ Hinoki nhẹ nhưng rất bền và có khả năng chịu ẩm cao. Loại gỗ này còn có khả năng chống mối mọt và vi khuẩn tự nhiên. Các nghiên cứu và thực tế cho thấy gỗ Hinoki thậm chí tăng độ bền sau khi xẻ khoảng 200 năm và chỉ dần mục yếu sau khoảng 1000 năm sử dụng! Các chùa và đình thần được xây dựng bằng gỗ Hinoki vẫn ung dung sau ngần ấy năm lịch sử. Phải chăng do năng lượng và khả năng thanh tẩy kì diệu của loại gỗ này.

Mùi hương của Hinoki có chút chua đắng của chanh, chút ngọt và ấm đặc trưng của gỗ. Loại gỗ còn mang trong mình nhựa sống, còn chút ẩm của nước, khác với Hiba (Japanese cedarwood) mang tông gỗ khô và đặc khói hơn – tôi sẽ đề cập ở bài viết sau.

Điểm đặc biệt của mùi hương gỗ Hinoki là mùi hương của gỗ tươi (fresh wood) lại bền đẹp một cách tự nhiên sau một thời gian rất dài gỗ đã được xẻ và phơi khô. Mùi hương tự nhiên đó khiến những công trình sử dụng gỗ Hinoki luôn đặc biệt. Hinoki mang mùi hương của rừng xanh, mát, vương sương và lộng gió.  Mùi hương của Hinoki mang nét điềm tĩnh và thanh sạch.

Khác với tưởng tượng của đa số chúng ta rằng được chiết xuất từ lá, tinh dầu Hinoki được chiết xuất từ gỗ (wood chips/ wood flakes) của loại cây này. Để lấy tinh dầu, gỗ Hinoki được băm nhỏ thành dạng chips và sau đó tiếp tục đưa vào công đọan chưng cất hơi nước. Tại Nhật, có một công ty sản xuất Japanese bath tub (kiểu bồn tắm bằng gỗ Hinoki truyền thống) sử dụng chính phần gỗ dư từ quá trình sản xuất để chiết xuất tinh dầu Hinoki. Cần khoảng 12 tấn wood flakes (mảnh bào gỗ từ công đoạn chế tạo bath tub) để tạo ra khoảng 12 lít tinh dầu Hinoki nguyên chất!

Tinh dầu từ gỗ Hinoki ngoài mùi hương đặc trưng, còn có những tác động tích cực đối với hệ thần kinh và sức khoẻ.

  • Hoà 1 giọt tinh dầu Hinoki với 2 giọt dầu jojoba hoặc almond, mát xa nhẹ nhàng lên vùng da mong muốn, đặc biệt sau khi vừa vận động cơ
  • Khuếch tán tinh dầu Hinoki trong không gian thiền/ tập yoga. Mùi hương Hinoki gia tăng và củng cố sự tĩnh tâm và an thiền
  • Nhỏ 2-3 tinh dầu Hinoki vào bath tub nóng vừa phải giúp cơ thể thư giãn và thư thái

Tôi luôn giữ một lọ tinh dầu Hinoki sử dụng khi thiền và một lọ nhớ về những ngày đầu làm nước hoa. Mùi hương Hinoki và Osmanthus với tôi đậm hương Nhật Bản. Đất nước thơm lạ kỳ mà mùi hương không hề được đóng chai trưng trong tủ kiếng, mùi hương của thiên nhiên, của đời sống. Linh thiêng mà gần gụi, chứa chan.

Như chính ý nghĩa của Koudou – hương đạo vậy.

[To be continued]

Previous post
Next post
Related Posts
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.