Hôm nay lại viết về tạo hương từ cô giáo của tôi – Cô Satori Osawa, người truyền cảm hứng cho tôi về tình yêu với nước hoa, và cả ý niệm về phong cách mùi hương nữa.
Tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên về sự tinh tế nơi mùi hương được tạo từ bàn tay của cô Satori. Cái cân bằng hoàn hảo giữa sự ý nhị vừa phải của Á Châu và nét khoáng đạt, mới mẻ của trời Tây. Mấy người bạn của tôi hay đùa, bảo Châu Á mấy bạn toàn cam chanh bưởi chán dễ sợ, tôi trả lời rằng do bạn chưa tìm được nhà hương Satori mà thôi. Kiểu quyến rũ Châu Á, không cần phải sực nức xạ hương hay ngon lành muốn cắn đượm dairy, gourmand (kiểu các bạn đê mê từ Angel ấy). Hương Châu Á từ bàn tay cô Satori, cái ngọt cũng khác, đắng cũng khác, hoa trắng cũng khác, mặn cũng khác. Mà, chất phương Đông, lại càng khác lắm.
Có lần tôi hỏi cô: “Mỗi lần em ngửi mùi hương, em đều nhận ra ngay đó là mùi hương do cô làm. Làm sao để đưa phong cách cá nhân của mình vào mùi hương hả cô?”. Cô cười hiền rồi nói với tôi, “Em phải làm thật nhiều, thật nhiều, đến khi có những accord em yêu thích. Đó sẽ làm nên cá tính của em.” Tôi nhớ mãi lời cô nói. Cơ mà, accord tôi thích ít người thích lắm. Tôi ít thích hoa trái lủng lẳng trên cành, cái tôi thích lại thường nằm sát mặt đất. Là nấm, đám rêu mọc dưới gốc cây, mùi lá mục, mùi đất, sực nức sau mưa. Mấy mùi kiểu ẩm khô, sục sạo, mùi đất ấp ôm mầm xanh. Bởi, tôi thích design nước hoa nam hơn. Nên, tôi yêu Mizunara.
Về Mizunara, trước hết, tôi xin nói về cái tên, và câu chuyện của nó.
Mizunara – hay còn được biết là Japanese oak Tree, là một loài cây thường được thấy ở những khu rừng Nhật Bản.
Cũng chính từ Mizunara, thế giới được chứng kiến sự xoay chuyển ngoạn mục của ngành công nghiệp rượu tại Nhật Bản với sự lên ngôi của Japanese whisky.
Hãy nhìn vào lịch sử từ thời kỳ thế chiến thứ Hai.
Lúc đó, Nhật Bản hầu như không thể nhập khẩu bất cứ thức uống cồn nào từ Mỹ hay Châu Âu. Bài toán đó trở thành động lực to lớn để người Nhật phát triển ngành công nghiệp rượu nội địa. Một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình ủ rượu, chính là thùng chứa (barrels), thường làm bằng gỗ sồi. Thùng chứa, có chức năng bảo quản rượu, đảm bảo rượu không bị rò rỉ trong quá trình ủ. Loại gỗ sồi sử dụng, cần đủ rắn và khô để rượu không thấm ngược bào mòn, ngược lại đóng vai trò như chất men sau cuối thấm dần vào rượu khiến quá trình ủ hương và vị trở nên tròn trịa. Khi không thể nhập khẩu hay sử dụng gỗ sồi từ nước ngoài để ủ rượu, người Nhật đã nghĩ cách khai thác từ chính nguồn nguyên liệu sẵn có của mình: Mizunara. Thế nhưng, sau hàng loạt những thử nghiệm, các chuyên gia lắc đầu. Gỗ sồi của họ có mùi hương gỗ quá nồng, khiến rượu mất đi sự tinh tế cần có. Thêm vào đó, quá trình khai thác và sử dụng Mizunara khó khăn hơn, do đặc thù của cây mọc nhiều nhánh, và đòi hỏi thời gian chậm để cho phép khai thác Mizunara, lúc đó, xếp vị trí kém cạnh hẳn so với gỗ sồi nước ngoài.
Bẵng đi, khi thời gian đủ lâu, các nghiên cứu và nhà nghiên cứu tham gia đủ dầy đặc, người ta phát hiện ra rằng, mùi hương của Mizunara chỉ thể hiện trọn vẹn khi thời gian từ 20 năm trở lên. Lúc đó, vị gỗ lơi và ấm, thấm đượm chất Nhật trong whisky. Hương Nhật.
Ngày nay, Mizunara được xếp vào hạng thượng phẩm, chất nhất và quý nhất thuộc hàng top trong bản đồ whiskey quốc tế. Thế giới, giờ đây, sục sạo, tìm đến Japanese whiskey với sự tò mò và ngưỡng mộ. Với giới mộ điệu, cái tên Mizunara, là biểu tượng của sự tinh tế bậc nhất đến từ Á Châu, làm say mê mọi gai vị giác của những nhà nếm khó tính.
Mizunara làm tôi nghĩ đến Sugi (杉ーLiễu Sam), loại gỗ tôi có cơ hội được tận mục sở thị thực hành quá trình chiết tinh dầu tại Shizuoka, quê hương của loại gỗ này. Sugi, lúc mới chiết xuất có màu vàng ấm và mùi hương khá gắt, ngái, thứ mùi cũ kỹ và khó ngửi trải qua quá trình lắng và tự điều chỉnh 30 ngày, tinh dầu trở nên trắng trong suốt, và mùi hương đằm, thậm chí với tôi, còn đằm và đẹp hơn hoàng đàn (sandalwood).
Vẻ đẹp của Mizunara, gắn liền với vẻ đẹp Nhật. Thoạt nhìn rất đổi bình thường dung dị, nhưng lại khiến người ta kinh ngạc thán phục theo thời gian. Mizunara gắn liền với Japanese Whiskey. Và tạo hương Mizunara, cũng mang đậm tinh thần đó. Mizunara từ tay của cô Satori, có xanh của cây rừng thảo mộc, có men rượu chếnh choáng. Khiến người ra yêu.
Mizunara, vốn là mùi hương hơi nam tính, nhưng là mùi hương tôi say đắm. Với tôi, mizunara chẳng đặt ra định kiến nào về giới tính cả, mà đúng hơn, nó chỉ dành cho những cá tính phù hợp mà thôi.
Tôi dự buổi ra mắt Mizunara vào tháng 5/2018. Buổi perfume launching được diễn ra tại căn phòng xinh xắn ngay tại atelier của cô. Căn phòng nhỏ tấp nập người suốt từ khi tôi đến. Mọi người đều chờ đón để được ngửi mùi hương mới, mang mùi hương thuộc nhóm green – oriental.
Mizunara lấy cảm hứng từ một lần cô Satori đến một quán bar nhỏ xinh tại Tokyo, và chính mùi hương từ loại gỗ ấy ngồi đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác. Thật ngẫu nhiên, Mizunara cũng đồng âm với (水なら)- dịch ra tiếng Việt là ” như là nước”. Mùi hương của nước, hay đúng hơn là sương sớm vương trên gỗ, thấm đẫm trong tạo hương Mizunara.
Mizunara, theo lời của cô Satori, là bức tranh vẽ bằng mùi hương của một buổi sáng bên hồ, với tán cây Japanese oak tree vươn rũ dài ngả bóng trên mặt nước. Mizunara, phảng phất, có chút cognac, chút chất metal rất đàn ông. Một người đàn ông bên ly rựou trong một quán bar kiểu cổ.
Mizunara lạnh aromatic, với chút ấm và ngọt cồn ở hậu, cái men Nhật ấy cảm nhận từ lúc vừa mới spray. Mizunara cũng, xanh.
Nốt xanh “green”, là một trong những nốt hương khó. Tôi không mấy thân thiện với mùi hương kiểu cỏ mới cắt (cut grass) hay xanh non như galbanum. Tuổi thơ dữ dội của tôi, không có những thú vui bé gái như banh đũa hay đồ hàng, tôi nghịch và ngổ ngáo như một thằng con trai. Và trận nhớ đời của tôi, lờ mờ, là trận tạt hình với tụi con nhà bà Tiếp hàng xóm. Tôi té sấp mặt, và cái mùi cỏ ngái với cái mũi máu me, chẳng phải là mùi hương đẹp đẽ gì. Bạn biết đấy
Hơi lan man rồi.
Ý tôi muốn nói, là Mizunara, xanh khéo lắm, non vừa phải. Galbanum kết hợp cùng lavender, rosemary ra một tông mùi thơm tho của thảo mộc, với tôi hơi soapy một chút. Thật ra linalool vốn rất nhiều trong lavender là một mùi hương, theo tôi, là khó chiều. Nhưng dễ chịu. Những nốt hương thảo mộc ấy rồi được gói ghém trong sự ấm áp vỗ về của labdanum, sandalwood và amber, khiến nốt hương trở nên mềm mại, đúng nghĩa “velvet” trên da thịt.
Mặc Mizunara, tôi không có khái niệm nào về những mùi hương trước đó để so sánh. Có thể do perfume bank của bản thân chưa đủ nhiều. Cơ mà tôi nghĩ, accord cô Satori làm, mới mẻ nên mới gây được xúc cảm như thế.
Buổi sáng, khoác lên mình chiếc chemise linen sạch sẽ, xức Mizunara. Là đủ một ngày vui.
Mizunara, từ khi xuất hiện vào tháng 5/2018, đã được giới mộ điệu yêu mến, được tạp chí Finacial Times bình chọn là 1 trong 5 “Perfume of the year 2018”. Hiện tại, Mizunara đang được giới thiệu với mức ¥17,280 50ml EDP. Đẹp và vừa phải.
Thưởng thức whiskey Nhật chưa đủ đâu các chàng trai cô gái à, hương Mizunara từ bàn tay Satori, nhất định bạn nên thử.
Sài Gòn, 14/4/2019
Rei Nguyễn
chị ơi. em đang ở Nhật có thể tìm mua chai này ở đâu ạ?
Như chị trả lời trên messenger thì mua tại atelier của Parfums Satori nhé Khoa ơi,
OURS 2F, 3-6-8 Roppongi, Minato-ku, Tokyo 106-0032 Japan
Tel : +81 3 5797 7241
Các đại lý khác thì thông thường nhiều khi sẽ cập nhật mùi hương mới chậm hơn. Hy vọng là Khoa mua được ở Osaka