A Fragrance Blog by Rei Nguyen

Perfume

Hoa, trái và gỗ phấn: A Triple Review of Luna, Elizabethan Rose and Iris Prima from Penhaligon

Một ngày mùa đông không mấy dễ chịu ở Tokyo: nắng nóng đột ngột và sắc lạnh về chiều.

Mùa đông không dễ chịu lắm với tôi. Da khô, thiếu nước (thật ra do trời lạnh làm mất cảm giác muốn uống nước) và mọi thứ ù ì xù xì. Tôi đội mũ lưỡi trai, vì nón len làm tôi non giống con thỏ ăn mashmallow như trào lưu chuppy bunny thưở nào… và tôi dại dột vác bộ dạng đó dám lên tận livestream hôm trước… trời ạ.

But it is ok to be me 🙂

Tôi nhìn thời tiết nhàn nhạt, chợt nghĩ. Trời này, một là mặc hẳn mùi hương chói chang cầu kỳ bung toả…spice up lên, tươi vui lên, xua mây đen tan nhanh lên…

Hai là, chơi blend in, bạn buồn thì tôi cũng lửng lơ. Bạn bơ vơ thì tôi cũng không rảnh đi trồng cây chuối làm trò. Ờ, tôi cũng sẽ… đơ đơ!

Rồi nên, nghĩ đến ba mùi này, nghĩ là hợp lắm. 3 mùi cùng một nhà Penhaligon từ Anh Quốc, chai thuôn thuôn có nơ có vải cột hồng hồng… ôi tôi nghĩ đến bộ truyện Bá tước tiểu thư hồi xưa lớp 7, lớp 8 thì phải… hay đọc. Kiểu nơ nơ tiểu thư công tử vậy đó 🙂 Mùi hương của Penhaligon cũng vậy, tôi không thấy mùi nào xuất hiện kiểu quằn quại, nhưng lịch lãm, lả lơi như mây trên bầu trời Anh-Cát-Lợi.

Hôm nay nói về 3 mùi mô tả được một ngày mùa đông ỡm ờ ở Tokyo.

  1. Luna

Nếu có một mùi mà thị trường hay “chôm” để làm hương cho sản phẩm khuếch tán que (reed diffusers) nhiều nhất, tôi đồ rằng đó là Luna. Blackcurrant và Rose quyện vào nhau ra một nốt hương hoa trái chanh chua rất hợp mũi. Accord này cũng được khắc hoạ một cách rất tương đồng (ngẫu nhiên hay cố ý?) trong L’ombre Dans L’Eau của nhà Diptyque. Với tôi, Luna có phần trẻ hơn, “nơ bướm thần kỳ” hơn. Luna nghĩa là mặt trăng, mát thanh diệu vợi trên cao. Cảm gíac khi mặc Luna cũng vậy. Cái nốt chua ngân nga trong trẻo, réo rắt, và đặc biệt dai dẳng. Cái dai dẳng mà đôi khi những nốt trầm của gỗ hay da thuộc cũng phải ghen tị. Tôi thì không thích lắm nốt chua. Nhưng Blackcurrant và Rose đi với nhau thật sự rất hợp. Cái ngọt của citronelol và geraniol từ hoa hồng làm blackcurrant bớt chua ngoa, trở lại làm cô tiểu thư phớt quạt một buổi trà chiều trong cái nắng ngọt đường của xứ Anh. Ấy hơi quá, hôm đó chắc cũng âm u! Đang viết về ngày mùa đông dở hơi ở Tokyo mà!

2. Elisabethan Rose

Người thương sẽ nhận xét là Classic! (kinh điển), còn không ưng sẽ là Too common! (cũ rích). Ừ thì, hoa hồng mà, có 1000 shades of rose chăng nữa thì đã đặt tên hoa hồng là không thể ngửi ra hoa lài được! Thông cảm nhen!

Elisabethan rose khiến tôi nhớ tới mùi rose geranium tôi hay dùng để blend những ngày đầu tìm hiểu về aromatherapy 3 năm về trước. Cái gì cũng cho vài giọt vào. Thích cái cảm giác vừa ngọt lừng lựng, vừa thơm hoa hồng của loại tinh dầu đó. Mà thật, geranium và rose bổ trợ nhau trong Elisabethan Rose, tạo thành accord chính của mùi hương này. Người mặc Elisabethan Rose… trầm hơn và đằm hơn Luna, tôi nghĩ. Đằm, bớt điêu linh. Mùi của từng trải, cũng đã qua những xa xót trong đời. Cũ mà mới. Là hoa hồng Elisabeth. Tên vậy thôi, tôi nghĩ đàn ông phụ nữ, mặc đều được. Thích thì nhích thôi. Cuộc đời này ai không thích hoa hồng.

3. Iris Prima

Gỗ phấn rắc đầy đường. Tôi nghĩ ngày xưa Mị Châu nếu có mùi hương này thì không phải nhọc công bứt từng sợi lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thuỷ suốt đường đi. Mặc mùi hương này như phấn hoa tung bay trong gió, chàng Thuỷ chắc sẽ tìm được. Dẫu Châu có chết, áo lông ngỗng khoác trên người nàng sẽ vẫn đẹp, vẫn vẹn nguyên.

Iris Prima mở đầu bằng pink pepper và cam bergamot. Nốt hương dễ chịu. Tiêu và citrus khiến màn dạo đầu thuận mũi với cả nam lẫn nữ. Hoa phấn rất nhẹ lẩn lướt theo sau. Thứ mùi phấn khô dịu dàng chỉ có được từ iris. Iris là tên hoa diên vĩ, nhưng thực ra, mùi hương tại lấy từ rễ của loại hoa này. Iris cộng hưởng với hoa lài trắng ẩn hiện. Ban đầu nhỏ nhẻ. Rồi chất indole vốn dĩ là một phần tất yếu của lài bịn rịn se áo cùng nốt da thuộc, cứ như câu thơ “lá trúc che ngang mặt chữ điền” thưở nào. Kiểu tinh tế đàn bà, nhưng vẫn lẩn khuất chất trượng phu.

Ngửi Iris Prima, tôi nhớ đến lần cô giáo nói với tôi về cách “điệu” của người Nhật. Điệu, mà kỳ lắm, không muốn lồ lộ cho người ta biết, chi lâu lâu có dịp mới hé ra thôi. Như trang phục của Samurai ngày xưa, áo choàng luôn có hai mặt. Mặt phải giản dị, thường là đen tuyền hoặc hoa văn kẻ sọc sậm màu tối. Cô bảo để trong đêm có hạ sát thì không bị phát hiện. Gosh! Nhưng ngược lại, mặt trái, lại đầy những hoạ tiết sáng màu hơn, vẫn nằm trong trường màu nam tính, nhưng cầu kỳ và phức tạp. Sẽ có những lần nóng trời, Samurai tung áo khoác vào vai theo phong cách mặc áo khoác trong 3s của đấng mày râu, lớp hoa văn cool ngầu sẽ lấp loáng xuất hiện, nhưng đủ để thu hút ánh nhìn và khiến người ta nhớ mãi.

Xứ Anh, nổi tiếng với nước hoa xưa nay. Quá nhiều nhà hương tuyệt vời mà tôi chưa được tham kiến hết. Thôi thì mỗi ngày ghi chép một chút, để ngân hàng mùi hương ký quỹ nơi khứu giác thêm dày…

Tokyo, một ngày mùa đông

Tháng 2, 2019
Rei Nguyễn

Previous post
Next post
Related Posts
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.